Tin nhanh cho biết, theo báo cáo của ban giám hiệu nhà trường THPT Gia Nghĩa, trong năm học vừa qua, toàn trường có hơn 115 em phải bỏ, ngừng và nghỉ học với nhiều lí do. Số lượng học sinh bỏ học dàn đều ở cả 3 khối, tập trung nhiều là ở khối 10.
“Số học sinh này bỏ học vì học lực yếu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đầu vào năm học kém chất lượng. Trường THPT Gia Nghĩa là nơi cuối cùng các em chọn nộp đơn vào học, không qua khâu thi tuyển”, ông Trịnh Minh Đức cho biết thêm.
Theo tin tức, ở thị xã Gia Nghĩa có 4 trường THPT gồm: trường THPT Chu Văn An, trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh, trường THPT Gia Nghĩa, trường THPT Dân tộc nội trú. Hầu hết, học sinh các trường là ở các huyện lân cận như Đắk Song, Đắk R’Lấp, Đắk G’Long. Địa bàn rộng, dàn trải. Học sinh tại các xã Trường Xuân (huyện Đắk Song), xã Nhân Cơ (huyện Đắk R’Lấp) và xã Đắk Hà (huyện Đắk G’Long) cách xa trường nhất đều nộp đơn thi vào các trường chất lượng, trường THPT Gia Nghĩa là sự lựa chọn cuối cùng.
Thời gian qua, mặc dù trường THPT Gia Nghĩa đã mở các buổi dạy phụ đạo cho học sinh vào buổi chiều, tuy nhiên vẫn không ngăn được “dòng lũ” học sinh bỏ học.
“Chúng tôi đóng phí học phụ đạo cho con 400.000 đồng/tháng, đóng tiền xe buýt 800.000 đồng/tháng, cố gắng cho con học tốt hơn, nhưng lớp con tôi chỉ có 1 cháu học lực khá, còn lại trung bình và yếu”, bà Nguyễn Thị Hiên (50 tuổi), phụ huynh của một học sinh tại trường THPT Gia Nghĩa cho biết.
Chúng tôi gặp em Nguyễn Hồng T. (SN 1999), học lớp 10A5 đã bỏ học vì học lực yếu, không lên lớp dài ngày. “Ba mẹ thuê cho em căn phòng ở với 2 bạn cùng lớp. Có tiền tiêu xài, không ai quản lí, đêm nào chúng em cũng đánh bi-a, chơi game đến sáng sớm mới về. Sáng hôm sau chỉ muốn ngủ, không muốn lên lớp nữa. Nên khi có thông báo nghỉ học em không bất ngờ. Học ở lớp em không tiếp thu được kiến thức. Thời gian tới, em sẽ đi học nghề, không học văn hóa nữa”, em T. khẳng định.
Gia đình chị Nguyễn Thị Trâm (45 tuổi), ngụ tại thôn 5, xã Trường Xuân, mẹ của T. cho biết, gia đình có điều kiện cho con theo học đến cùng, nhưng do con không chịu học nữa, nên đành “bó tay”.
“Nó nghỉ tôi cũng tiếc. Nhưng, nó bảo học không vào nữa, không tiếp thu được kiến thức nên phải bỏ. Gia đình tôi có đủ điều kiện nuôi cháu. Con tôi khi học bậc THCS có học lực trung bình. T. mới vào lớp 10 học được một kì đã phải bỏ. Lớp con trai tôi chỉ có 1 em thi được điểm 6, còn lại điểm 5 và dưới điểm 5”, chị Trâm buồn bã nói.
Ông Lê Nhơn, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông chia sẻ với PV
Trao đổi về vấn đề trên, ông Lê Nhơn, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông cho biết, sở đã nhận báo cáo về tình trạng nhiều học sinh bỏ học của ban giám hiệu trường THPT Gia Nghĩa. “Học sinh bỏ học nhiều vì ảnh hưởng tâm lí khi học xong không biết làm gì, nhiều em ở nhà giúp gia đình làm rẫy hoặc do học lực yếu… Nhưng, học sinh học yếu trách nhiệm trước hết thuộc về nhà trường. Vì liên quan đến chất lượng giáo dục. Mục tiêu của năm tới, phải chấm dứt tình trạng bỏ học hàng loạt. Sở sẽ chỉ đạo sâu sắc hơn nữa về vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo, quan tâm đến đời sống của học sinh ở trọ. Ngoài ra, gần gũi, chuyên tâm bồi dưỡng kiến thức cho học sinh có học lực yếu kém; giảm các khoản thu cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn”, ông Nhơn cho biết.
Thanh Lạng - nguoiduatin.vn
0 nhận xét :
Đăng nhận xét